Tác giả: Jessica Chen Weiss
Tại sao Tổng thống Mỹ tiếp theo nên hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn với Trung Quốc?
Washington đang phải đối mặt với làn sóng chỉ trích ngày càng gia tăng vì theo đuổi một cuộc cạnh tranh mở với Trung Quốc mà không xác định rõ thành công sẽ như thế nào. Khi khả năng cưỡng chế và hành vi đe dọa của Trung Quốc khiến Mỹ tập trung sự chú ý vào những rủi ro đối với lợi ích của mình, việc thiếu một thước đo thành công rõ ràng đã mở ra cánh cửa cho những lời chỉ trích đảng phái về cách tiếp cận của chính quyền Biden. Trong khi đó, những người bảo vệ chính quyền bác bỏ những chỉ trích này bằng cách chỉ ra rằng các chính sách của chính quyền phù hợp với sự đồng thuận rộng rãi về thách thức mà Trung Quốc đặt ra, và các bước cần thiết để chống lại thách thức đó.
Chắc chắn, các chính trị gia Dân chủ và Cộng hòa đều đang sử dụng chiêu trò vận động tranh cử điển hình là tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc. Trong cuộc tranh luận gần đây, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã cáo buộc cựu Tổng thống Donald Trump bán rẻ lợi ích của nước Mỹ và nịnh bợ nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, còn Trump đã tuyên bố sai rằng “Trung Quốc đã trả cho chúng ta hàng trăm tỷ đô la” nhờ chính sách thuế quan của chính quyền ông (mà chính quyền Biden đã mở rộng). Trong khi đó, các lập luận bị phóng đại và các phiên điều trần của quốc hội về mối đe dọa do Đảng Cộng sản Trung Quốc gây ra đã làm mờ ranh giới giữa các hoạt động thương mại, khoa học, và giáo dục hợp pháp liên quan đến các thực thể Trung Quốc với những hoạt động gây ra rủi ro an ninh không thể chấp nhận được hoặc tạo ra các lỗ hổng khác. Lo sợ rằng những gì được hoan nghênh ngày hôm qua có thể bị xem là không trung thành ngày hôm nay, các công ty, nhà nghiên cứu, và sinh viên đã rút lui khỏi nhiều hoạt động từng là động lực cho khả năng lãnh đạo kinh tế và khoa học của Mỹ.
Tuy nhiên, bên dưới bầu khí căng thẳng này, vẫn còn nhiều không gian cho tranh luận và phân định. Sự đồng thuận của Mỹ về Trung Quốc nông cạn và dễ lung lay hơn chúng ta tưởng. Trong môi trường nhiều biến động này, có một cơ hội để chính quyền tổng thống tiếp theo phát triển một cách tiếp cận tích cực hơn, bình tĩnh hơn, một cách tiếp cận có thể hạ nhiệt và tập trung vào việc giảm thiểu rủi ro, trong khi vẫn bảo tồn những lợi ích của mạng lưới quan hệ rộng lớn kết nối Mỹ và Trung Quốc.
Các nhà hoạch định chính sách Mỹ nên tìm kiếm một cơ sở bền vững hơn để cùng chung sống, cẩn trọng tạo ra một cân bằng để đảm bảo rằng các nỗ lực giải quyết các mối đe dọa thực sự từ Trung Quốc không làm suy yếu các giá trị và lợi ích mà các nỗ lực này muốn bảo vệ. Chỉ có thể đạt được khả năng răn đe, đặc biệt là ở Eo biển Đài Loan, khi có sự hiện diện của ngoại giao cứng rắn, kết hợp các mối đe dọa đáng tin cậy và các trấn an đáng tin cậy. Cả răn đe và thịnh vượng đều đòi hỏi một mức độ hội nhập kinh tế và sự phụ thuộc lẫn nhau về công nghệ. Nếu các nhà hoạch định chính sách Mỹ quá chú trọng vào cuộc cạnh tranh với Bắc Kinh, rủi ro sẽ vượt xa việc làm tăng khả năng xảy ra chiến tranh và gây nguy hiểm cho các nỗ lực giải quyết nhiều thách thức xuyên quốc gia đang đe dọa cả Mỹ và Trung Quốc. Họ cũng có nguy cơ đưa nước Mỹ vào con đường của một chiến thắng phải trả giá đắt, trong đó người Mỹ buộc phải làm suy yếu các lợi ích và giá trị lâu dài của chính mình để ngăn chặn đối thủ.
PHẢN ỨNG THÙ ĐỊCH
Một số nhân vật nổi bật của phe Cộng hòa đã cáo buộc chính quyền Biden làm suy yếu vị thế nước Mỹ bằng cách ưu tiên can dự ngoại giao hơn các biện pháp đối đầu vốn được thiết kế để làm suy yếu chính phủ Trung Quốc. Họ mô tả Trung Quốc là mối đe dọa sống còn, đồng thời tuyên bố rằng sự hiện diện quân sự mở rộng và các biện pháp đối đầu hơn của Mỹ bằng cách nào đó sẽ khiến Bắc Kinh đầu hàng trước sức mạnh của Mỹ. Nhưng cách tiếp cận này thậm chí còn ít có khả năng thành công hơn so với cách tiếp cận hiện tại. Suốt những tháng cuối cùng trong nhiệm kỳ, chính quyền Trump đã áp dụng một lập trường thù địch, công khai kêu gọi người dân Trung Quốc lựa chọn một hình thức chính phủ khác, tiến hành các chiến dịch bí mật nhằm làm suy yếu Đảng Cộng sản Trung Quốc, và loại bỏ các chuẩn mực tương tác không chính thức giữa Đài Bắc và Washington, từ đó làm gia tăng căng thẳng trên Eo biển Đài Loan đến mức chính phủ Trung Quốc phải bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc tấn công bất ngờ của quân đội Mỹ. Ngày nay, việc tiếp tục một chính sách đối đầu tương tự như vậy sẽ chỉ làm dấy lên nỗi ám ảnh về một cuộc chiến nóng với Trung Quốc và dẫn đến sự xa lánh của những đồng minh mà Mỹ muốn sát cánh cùng mình trên chiến trường.
Ngược lại, chính quyền Biden đã đúng khi khơi dậy ý thức về mục đích chung, nhấn mạnh tính cấp thiết của việc bảo vệ một trật tự quốc tế nơi sức mạnh không tạo nên lẽ phải, đồng thời hợp tác với các chính phủ có quan điểm khác biệt để giải quyết các vấn đề không liên quan đến đường biên giới hay các bức tường.
Nhưng trong các cuộc thảo luận trong công chúng và giới chính sách rộng hơn ở Mỹ, phản ứng ngăn chặn Trung Quốc thường lấn át những nỗ lực hướng tới các mục tiêu chung và thúc đẩy lợi ích của Mỹ. Những lập luận về việc giành chiến thắng trong thế kỷ 21 củng cố ý tưởng rằng cạnh tranh là một cuộc chơi có tổng bằng không, khiến cả hai bên bờ Thái Bình Dương phải vội vã chuẩn bị cho xung đột và khiến những người chỉ trích ở cả hai xã hội chế giễu những hình thức tương tác ngoại giao, thương mại, và khoa học thông thường là ngây thơ, và nặng hơn là xoa dịu.
Cả hai quốc gia đều đang tập trung chuẩn bị cho những kịch bản xấu nhất. Các bước đi của Bắc Kinh và Washington nhằm giảm thiểu sự tiếp xúc với các hoạt động cưỡng chế và xâm nhập đang chi phối các cuộc thảo luận trong công chúng và giới chính sách, theo đó thu hẹp không gian cho các nỗ lực xem xét các giới hạn cạnh tranh có thể giúp hai bên chung sống ổn định và hiệu quả hơn. Bất kỳ sự chung sống nào cũng là không dễ dàng, và nó sẽ được xây dựng không phải từ sự tin tưởng mà từ những lời đe dọa và trấn an đáng tin cậy – nghĩa là răn đe kết hợp với các bước nhằm tiến tới một dàn xếp để hai nước và người dân của họ có thể chung sống và phát triển thịnh vượng.
Thật không may, các chính sách hiện tại ở Bắc Kinh và Washington đang đi theo hướng ngược lại. Dù kênh ngoại giao đã được hồi sinh, và dù các quan chức Mỹ có kỷ luật đang kiềm chế không sử dụng thuật ngữ “đối thủ” hoặc “kẻ thù” để gọi Trung Quốc, nhưng việc mô tả Bắc Kinh như là một đối thủ cạnh tranh mà Washington cần phải đánh bại vẫn lan rộng vào hầu hết mọi lĩnh vực của quan hệ song phương. Các quan chức, nhà nghiên cứu, và doanh nghiệp Mỹ có lý do chính đáng để tương tác với các đối tác Trung Quốc của họ, chí ít là để hiểu sâu hơn về những gì các nhà khoa học và những nhà đổi mới khác của Trung Quốc đang làm. Tuy nhiên, ngay cả những cuộc trao đổi có lợi cho cả hai bên cũng trở nên khó biện minh khi Mỹ xác định Trung Quốc là thách thức chính đối với lợi ích quốc gia của mình (và Trung Quốc cũng đã làm điều tương tự với Mỹ). Và những đánh giá thực dụng về cái giá của thuế quan lên túi tiền của người dân Mỹ, hoặc cách các hạn chế kinh doanh với các công ty công nghệ sinh học của Trung Quốc làm giảm khả năng tiếp cận các loại thuốc cứu người, đã chẳng thể ngăn cản những đề xuất như vậy phát triển.
Ở Trung Quốc, tình hình còn tệ hơn. Tập Cận Bình đã nói về việc ổn định quan hệ và thúc đẩy quan hệ giữa người dân hai nước, nhưng các luận điệu về “chiến thắng tương lai” và vượt qua Mỹ để thống trị các công nghệ tiên tiến đã củng cố nhận thức về ý định thực sự của Bắc Kinh, đồng thời làm suy yếu lời trấn an của họ rằng Trung Quốc không tìm cách thay thế Mỹ. Các hành động của Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm những nỗi sợ này. Để chuẩn bị cho một cuộc xung đột tiềm tàng với Mỹ, Trung Quốc đã đẩy nhanh các nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc vào các mặt hàng nhập khẩu công nghệ quan trọng, tạo ra các lỗ hổng trong cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ, mở rộng kho vũ khí hạt nhân, và củng cố quan hệ với Nga – tất cả đều làm sâu sắc thêm vòng xoáy thù địch và nghi ngờ. Trong khi đó, lệnh cấm xuất cảnh của Bắc Kinh (ngăn các thành viên gia đình của những cá nhân có liên quan đến tranh chấp pháp lý rời khỏi đất nước), những hạn chế rườm rà đối với các cuộc trao đổi và các chuyến thăm quốc tế, cũng như các hạn chế đối với các nhà báo và tổ chức truyền thông nước ngoài đã cản trở các tương tác thông thường giữa người dân Mỹ và Trung Quốc.
Quan điểm cạnh tranh có tổng bằng không và quá trình chuẩn bị cho xung đột ở cả Mỹ và Trung Quốc đang khiến hai bên dần trở nên thù địch và xa lánh, củng cố nỗi sợ về một kịch bản tồi tệ nhất và làm suy yếu độ tin cậy của các trấn an chiến thuật. Việc khôi phục các cuộc tiếp xúc và hội nghị thượng đỉnh cấp cao là cần thiết nhưng không đủ để ngăn quan hệ trượt dốc, đặc biệt là khi có sự thay đổi lãnh đạo sắp xảy ra ở Mỹ. Ngoại giao có thể giúp sửa chữa những nhận thức sai lầm bị phóng đại, nhưng nó chẳng thể làm gì để ổn định quan hệ nếu hai bên không chịu đầu tư nhiều hơn vào sự chung sống có nguyên tắc.
MẶT TÍCH CỰC CỦA HỘI NHẬP
Để ngăn chặn vòng xoáy này, Bắc Kinh và Washington sẽ cần xác định những kết quả mà họ muốn được thấy, theo đó tránh các biện pháp xem thành công là làm chậm lại hoặc vượt lên trên đối phương. Theo đuổi khả năng phục hồi và răn đe, chứ không phải ưu thế hay bá quyền, sẽ đưa họ vào một lộ trình ổn định hơn. Tình trạng đơn cực của Mỹ trong chính trị toàn cầu sau Chiến tranh Lạnh là ngoại lệ, chứ không phải quy luật. Ngày nay, cả Trung Quốc và Mỹ đều không thể khao khát thống trị trên mọi lĩnh vực và mọi công nghệ.
Bản chất của sự phát triển công nghệ khiến chúng ta không thể dự đoán chính xác cách thức các công nghệ mới và mới nổi sẽ định hình lại cuộc sống hàng ngày cũng như định hình chiến trường. Do đó, điều bắt buộc là Trung Quốc và Mỹ phải duy trì một mức độ hội nhập nhất định nhằm phát hiện và học hỏi từ những tiến bộ mới. Nếu những người dẫn đầu công nghệ trong một lĩnh vực nào đó là người Trung Quốc, thì Washington nên muốn các công ty Mỹ có quyền truy cập vào những cải tiến mới nhất này. Hiện tại, các nhà sản xuất Trung Quốc đang đi trước rất xa trong sản xuất năng lượng mặt trời, pin, và xe điện. Chẳng hạn, việc cấp phép sử dụng công nghệ Trung Quốc để xây dựng một nhà máy sản xuất xe điện tại Mỹ sẽ giúp phát triển chuyên môn trong nước của Mỹ và giúp các nhà sản xuất xe hơi Mỹ chuyển đổi nhanh hơn nhờ các công nghệ hàng đầu. Việc phản đối những động thái như vậy với lý do không có căn cứ – rằng công nghệ tái tạo có thể là con ngựa thành Troy cho ảnh hưởng của cộng sản – vừa sai lầm vừa phản tác dụng đối với lợi ích của Mỹ.
Đa dạng hóa là một điều tốt, nhưng Mỹ cần thiết lập các giới hạn đối với phân tách và cắt giảm rủi ro. Việc sắp xếp lại chuỗi cung ứng quốc tế sẽ đi kèm với lạm phát chi phí. Washington cũng thu được lợi ích chiến lược từ hội nhập kinh tế. Sự gắn kết của Trung Quốc với nền kinh tế toàn cầu và sự phụ thuộc của nước này vào công nghệ, đầu tư, và thị trường quốc tế là những cơ sở răn đe quan trọng đối với hành vi xâm lược, vì chúng cho thấy rõ Bắc Kinh sẽ mất gì nếu xảy ra xung đột quân sự. Và những nỗ lực của Mỹ nhằm hạn chế quyền tiếp cận công nghệ tiên tiến của các công ty Trung Quốc có thể phản tác dụng. Các biện pháp này có thể cản trở khả năng đổi mới và duy trì khả năng cạnh tranh của các công ty ở các nền dân chủ phát triển, cũng như khuyến khích các công ty Trung Quốc phụ thuộc nhiều hơn vào chính phủ và các nhà cung cấp trong nước – đây chính là sự kết hợp có thể tạo ra loại sức mạnh mà các biện pháp ban đầu được thiết kế để ngăn chặn.
Cân bằng giữa rủi ro và lợi ích của hội nhập kinh tế và công nghệ là một nhiệm vụ cực kỳ phức tạp, một nhiệm vụ đã và đang được tiến hành trong lúc chính quyền Biden đánh giá và cập nhật các thông số của chính sách “sân nhỏ, hàng rào cao” của mình. Kiểm soát xuất khẩu và các hạn chế khác có thể bảo vệ các lĩnh vực chiến lược, nhưng chúng cũng có thể làm chậm tiến trình phát triển công nghệ. Do đó, quá trình hiệu chỉnh các công cụ này đòi hỏi phải đánh giá sát sao những sự đánh đổi. Bằng cách tham khảo quan điểm từ các ngành công nghiệp và cộng đồng nghiên cứu, chính phủ Mỹ có thể dự báo tốt hơn tác động lâu dài của các biện pháp hạn chế đối với khả năng đổi mới và sức sống kinh tế của Mỹ.
ĐẠT ĐƯỢC SỰ CÂN BẰNG
Các lực lượng mang tính cấu trúc đang tác động đến động lực quyền lực giữa Trung Quốc và Mỹ, nhưng tương lai vẫn chưa được viết ra, và phần lớn phụ thuộc vào các lựa chọn được đưa ra ở Bắc Kinh và Washington. Việc ngăn chặn hai bên rơi vào xung đột dường như là điều không thể dưới thời lãnh đạo hiện tại của Trung Quốc, nhưng mối bận tâm của Bắc Kinh với sự ổn định kinh tế và chính trị khiến họ có lý do để tìm cách xoa dịu căng thẳng. Đồng thời, không có điểm nào trong quá trình điều chỉnh cách tiếp cận của Washington cho rằng ý định của Bắc Kinh là vô hại hoặc không đe dọa. Các lợi ích và giá trị được nêu của Đảng Cộng sản Trung Quốc rõ ràng đang xung đột với rất nhiều – dù không phải tất cả – những gì Mỹ tìm kiếm trong nước và trên thế giới. Tuy nhiên, các nhà phân tích và hoạch định chính sách Mỹ không nên tự động cho rằng các mục tiêu của Trung Quốc là tối đa và không thể thay đổi mà không có sự xem xét và tranh luận thấu đáo.
Một số mục tiêu, chẳng hạn như tham vọng của Bắc Kinh về sáp nhập hoặc “thống nhất” với Đài Loan, là bất biến. Nhưng thời gian và cách thức hành động – hòa bình hay không hòa bình – để hiện thực hóa mục tiêu đó thì không bất biến. Không có bằng chứng đáng tin cậy nào cho thấy Tập đã đặt ra một thời hạn để giải quyết tình hình một lần và mãi mãi. Dù một số tiếng nói diều hâu ở Trung Quốc đang háo hức mong đợi việc sử dụng vũ lực, nhưng hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng Tập vẫn xem xung đột quân sự ở Đài Loan là một cuộc khủng hoảng cần tránh hơn là một cơ hội để khai thác.
Điều này không có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận mọi thứ một cách thụ động. Ngược lại, để đạt được một dàn xếp có lợi, Mỹ sẽ cần phải cải thiện khả năng răn đe, và việc đó sẽ liên quan đến nhiều thứ hơn là chỉ đe dọa và tăng cường năng lực quân sự. Như Bonnie Glaser, Thomas Christensen, và tôi đã viết trên Foreign Affairs hồi năm ngoái, Mỹ có thể và nên làm rõ rằng lời đe dọa của họ là tùy vào các hành vi của Trung Quốc, chứ không phải là nỗ lực thay đổi nguyên trạng ở Eo biển Đài Loan. Những lời trấn an như vậy không phải là sự nhượng bộ. Trấn an sẽ làm rõ các lựa chọn của Bắc Kinh bằng cách truyền đạt ý định rằng Washington sẽ chỉ hành động nếu Trung Quốc chọn leo thang thay vì kiềm chế. Trong khi đó, những nhượng bộ đơn phương, chẳng hạn như gợi ý của Trump rằng Mỹ sẽ giữ một vai trò nhỏ hơn ở Eo biển Đài Loan, sẽ có nguy cơ mời gọi chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc.
Nhiều người ở Washington đã kết luận rằng thay vì cố gắng làm Trung Quốc chậm lại, Mỹ nên chạy nhanh hơn. Như nhà khoa học chính trị Amy Zegart đã viết, “chỉ đơn thuần cản trở Trung Quốc sẽ không thể thúc đẩy sự đổi mới dài hạn mà Mỹ cần để đảm bảo an ninh và thịnh vượng trong tương lai.” Để duy trì vị thế của đất nước như một trung tâm của nhân tài và đổi mới toàn cầu, các nhà hoạch định chính sách Mỹ nên khuyến khích các sinh viên và nhà nghiên cứu quốc tế – bao gồm cả những người từ Trung Quốc – đến, ở lại, và đóng góp vào tiến bộ khoa học tại Mỹ. Những nỗ lực nhằm ngăn chặn các nghiên cứu được tiến hành tại Mỹ bị sử dụng để phá hoại an ninh kinh tế và quốc gia của Mỹ phải được điều chỉnh cẩn thận để tránh bóp nghẹt chính tài sản mà họ muốn bảo vệ. Chẳng hạn, các hướng dẫn do Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ của chính quyền Biden ban hành hồi tháng 7 đã nêu ra nhu cầu cân bằng giữa an ninh nghiên cứu với “duy trì sự cởi mở mà từ lâu đã cho phép Mỹ lãnh đạo R&D trên toàn thế giới và không làm trầm trọng thêm tình trạng bài ngoại, định kiến, hoặc phân biệt đối xử”.
GIẢI QUYẾT ĐÚNG VẤN ĐỀ TRUNG QUỐC
Chuyển giao quyền lực sang một chính quyền tổng thống mới sẽ tạo cơ hội cho một sự hiệu chỉnh cần thiết để đưa quan hệ Mỹ-Trung Quốc hướng tới một nền tảng ổn định và hiệu quả hơn. Các đối tác và đồng minh của Mỹ sẽ hoan nghênh sự thay đổi này, vì hầu hết trong số họ đều đang tìm kiếm quan hệ mang tính xây dựng với Trung Quốc và không muốn đứng về phe nào trong cuộc cạnh tranh giữa Washington và Bắc Kinh. Ngoài ra, phần lớn người Mỹ thuộc cả hai đảng được tổ chức phi lợi nhuận Hành động An ninh Quốc gia và Chính sách Đối ngoại vì Nước Mỹ khảo sát vào năm 2023 đã nói rằng tránh chiến tranh và giảm căng thẳng với Trung Quốc là một mục tiêu rất quan trọng – quan trọng hơn cả việc chuẩn bị cho một cuộc xung đột tiềm tàng. Các cuộc thăm dò này cho thấy rằng vẫn có không gian chính trị để tranh luận và tinh chỉnh các chính sách đối với Trung Quốc. Cái giá chính trị dự kiến của việc tỏ ra mềm mỏng trước Trung Quốc thường không trở thành hiện thực. Việc Trump khen ngợi phong cách quản lý của Tập và cam kết “cứu TikTok” (vốn thuộc sở hữu của một công ty Trung Quốc) khỏi nỗ lực cấm của một số chính trị gia Mỹ đã không làm giảm sự ủng hộ của công chúng đối với ông. Trong khi đó, chủ nghĩa bảo hộ đã không mang lại những lợi ích chính trị như mong đợi. Lãnh đạo của Teamsters, một trong những công đoàn lao động lớn nhất nước Mỹ, đã tham gia Đại hội Toàn quốc của Đảng Cộng hòa dù chính quyền Biden đã mở rộng thuế quan thời Trump đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Và chiến dịch tranh cử của Trump đã có những lập trường mâu thuẫn với nhau về đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ, đầu tiên là hoan nghênh và sau đó là phản đối, nhưng không đe dọa một hậu quả rõ ràng.
Viễn cảnh về một cuộc chuyển giao chính trị và sự vắng mặt của một thái độ công chúng vững chắc tại Mỹ tạo ra cơ hội để các nhà hoạch định chính sách tinh chỉnh các giả định của họ về động lực thúc đẩy các hoạt động của Trung Quốc, cũng như mức độ đe dọa mà các hoạt động đó gây ra cho lợi ích của Mỹ, và các phản ứng nào là hợp lý. Nếu họ chỉ dựa vào nỗi sợ hãi và sự thuận tiện, họ sẽ trở thành nạn nhân của kiểu tư duy nhị phân xem ngoại giao là xoa dịu và sự hiện diện của những cá nhân người Trung Quốc sinh ra tại Mỹ (hoặc người Mỹ tại Trung Quốc) là gian xảo. Tâm lý đó rất nguy hiểm và sẽ khiến người ta tự chuốc lấy thất bại. Ngoại giao không phải là xoa dịu; nó là một công cụ không thể thiếu để truyền đạt các mối đe dọa và trấn an cần thiết cho sự răn đe hiệu quả. Và việc chống lại các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm mở rộng quyền kiểm soát ngoài lãnh thổ của họ là rất quan trọng để bảo vệ các quyền tự do của Mỹ. Nhưng những người sinh ra tại Trung Quốc hoặc có nguồn gốc Trung Quốc không nên bị xem là “đội quân thứ năm” ở Mỹ; cộng đồng người Hoa lưu vong đã trở thành một ổ kháng cự, và đó chính xác là lý do tại sao Đảng Cộng sản Trung Quốc lại quyết tâm theo dõi và đe dọa họ. Nếu Mỹ đi xa đến mức ban hành lệnh cấm hoặc hạn chế thị thực dựa trên quốc tịch, thì nó sẽ chỉ làm tổn hại đến các nguyên tắc không phân biệt đối xử và bình đẳng trước pháp luật vốn là hiện thân của lý tưởng Mỹ.
Nước Mỹ đang đối mặt với những thách thức thực sự trong việc giải quyết hoạt động gián điệp, tấn công mạng, và các hoạt động phi pháp và phi thị trường khác của Trung Quốc. Nhưng các chính sách chống lại những mối đe dọa này không được làm suy yếu sức mạnh mà chúng đáng lẽ phải bảo vệ. Hiện tại, phần lớn các cuộc thảo luận trong công chúng và giới chính sách Mỹ đều đang tập trung vào cách chống lại Trung Quốc và bảo vệ người lao động, cơ sở hạ tầng, công nghệ, và sở hữu trí tuệ của Mỹ trước các mối đe dọa từ nước ngoài. Trọng tâm này đã hạ thấp tác hại mà các biện pháp có mục đích rõ ràng là nhằm tăng cường an ninh quốc gia Mỹ có thể gây ra cho sức khỏe và sự năng động của nền dân chủ, xã hội, và hệ sinh thái đổi mới của Mỹ. Việc giải quyết đúng vấn đề Trung Quốc là rất quan trọng đối với thành công của Mỹ, cả dưới thời tổng thống tiếp theo và trong nhiều năm sau đó.
Jessica Chen Weiss là giáo sư về Nghiên cứu Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cấp cao Johns Hopkins, nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm Phân tích Trung Quốc thuộc Viện Chính sách Xã hội Châu Á, và là cựu thành viên Ban Hoạch định Chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Nguồn: Jessica Chen Weiss, “The Case Against the China Consensus,” Foreign Affairs, 16/09/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Bản tiếng Việt của Nghiên cứu Quốc tế.