Từ 1848 đến Mùa Xuân Ả Rập

Tác giả: Francis Fukuyama

Các nguồn gốc của “Mùa xuân  Rập”; những khác biệt và tương đồng giữa Trung Đông đương đại và châu Âu thế kỷ 19; tôn giáo và chủ nghĩa dân tộc – hai lộ trình luân phiên cho sự huy động chính trị.

Mùa xuân Ả Rập bắt đầu vào tháng 1 năm 2011 sau hành động tự thiêu của Mahamed Bouazizi, một người bán hàng rong trên phố ở Tu-ni-di. Sự kiện này đã dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền độc tài Zine al-Abidine Ben Ali, châm ngòi cho hàng loạt các cuộc nổi dậy sau đó ở Ai Cập, Yemen, Li-bi, Ba-ranh và Si-ri, và đe doạ sự ổn định của mọi chế độ cai trị trong khu vực. Theo tường thuật của báo chí, Bouazizi đã vài lần bị cảnh sát tịch thu gánh hàng của mình; và khi anh ta phản ứng lại liền bị đánh và sỉ nhục. Lòng tự trọng bị khước từ, anh tự tẩm xăng vào mình và tự thiêu, cuối cùng anh đã qua đời 2 tuần sau đó do bỏng.  Được phát trên truyền hình ở các nước Ả Rập, câu chuyện của Bouazizi gợi lên sự đồng cảm cũng như lòng căm phẫn ở người dân và đã được coi là khởi nguồn cho một cuộc cách mạng chính trị lớn.

Một số nhà quan sát tin rằng Hồi giáo hay các nước Ả Rập phải đối mặt với những trở ngại đặc biệt khi tiến tới dân chủ, vốn được xem là không có ở các khu vực khác, vì đây là nơi duy nhất hầu như không bị ảnh hưởng bởi Làn sóng Dân chủ hóa thứ ba. Và Đạo Hồi hay văn hoá Ả Rập được cho là chịu trách nhiệm cho sự phản kháng lại các tư tưởng dân chủ tự do này. Tuy nhiên, bất cứ luận điểm nào cho rằng Ả Rập là một ngoại lệ và chấp nhận chế độ độc tài một cách thụ động thì cần xem lại khi chứng kiến những sự kiện diễn ra vào đầu năm 2011.1

Các dự đoán cho rằng các xã hội Ả Rập chưa phù hợp với nền dân chủ tự do có thể tiếp tục đúng trong dài hạn. Bốn năm sau mùa xuân Ả Rập, không rõ liệu nền dân chủ tự do có sớm xuất hiện ở những quốc gia đã chịu ảnh hưởng của mùa xuân Ả Rập hay không, ngoại trừ trường hợp của quốc gia nơi nó bắt đầu, Tuy-ni-di. Ở Ai Cập, tổ chức Anh Em Hồi Giáo,  từng bị cấm hoạt động trong quá khứ, đã được bầu và chi phối quốc hội và chính phủ mới trong một năm cho tới khi quân đội lật đổ tổng thống của nó là Mohamed Morsi vào mùa hè 2013. Chính quyền Ai Cập đã đàn áp đẫm máu không chỉ các nhóm hồi giáo mà cả những người phê phán theo khuynh hướng tự do. Cuộc nổi dậy tại quảng trường Tahrir không phải là một cuộc cách mạng lật đổ chính quyền quân sự mà nó chỉ khiến quân đội đưa ra một cuộc rút lui chiến thuật. Li-bi tiếp tục chìm trong hỗn loạn khi chính quyền trung ương không có khả năng giải giáp các nhóm vũ trang. Tương tự, các cuộc biểu tình ôn hoà chống Bashar al-Assad ở Si-ri bị đàn áp một cách tàn nhẫn và đất nước này rơi vào cuộc nội chiến kéo dài giữa các chiến binh Hồi giáo cấp tiến và chế độ độc tài của Đảng Bath[1]. Còn ở Ba-ranh và các nước vùng vịnh khác, biểu tình bị đàn áp một cách đẫm máu và chế độ quân chủ truyền thống tiếp tục duy trì quyền lực. Trên khắp khu vực, bạo lực và bất ổn định tạo cơ hội cho các nhóm thánh chiến nổi lên, vốn là các nhóm hoàn toàn không ủng hộ dân chủ.

Những kết quả bất lợi đã khiến rất nhiều học giả phương Tây chỉ trích hiện tượng mùa xuân Ả Rập. Một vài đứng trên góc độ lợi ích quốc gia đơn thuần cho rằng: Mỹ, Israel và các quốc gia khác đã phát triển mối quan hệ hai bên cùng có lợi với các chính quyền độc tài cũ ở thế giới Ả Rập, và bây giờ đang phải đối mặt với sự bất ổn và bất định trong khu vực. Nhưng một số khác lại đưa ra luận điểm rộng hơn là mùa xuân Ả Rập không đại diện cho một làn sóng dân chủ mà đơn giản là sự tự khẳng định của Hồi giáo về mặt chính trị, và cuối cùng kết quả, mà tốt nhất có thể, là tạo ra các nền dân chủ phi tự do, hay tồi tệ nhất có thể, là sự lan rộng của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và sự hỗn loạn liên tục trong khu vực. 2

Tất nhiên, chúng ta không thể dự đoán kết quả lâu dài của mùa xuân Ả Rập. Tuy nhiên, những học giả, những người đã chỉ trích kết quả hỗn loạn của cuộc nổi dậy và cho rằng mùa xuân Ả Rập sẽ không thể dẫn đến chính quyền dân chủ tốt ngay cả về dài hạn, hẳn đã quên mất quãng thời gian dài chìm trong hỗn loạn và bạo lực của quá trình dân chủ hóa ở châu Âu. Một nền dân chủ tự do ổn định, tổ chức tốt đòi hỏi sự tương tác của nhiều thiết chế: không chỉ là hệ thống bầu cử tổng thống hay cơ quan lập pháp mà còn cả hệ thống đảng phái chính trị được tổ chức tốt, hệ thống toà án độc lập, bộ máy hành chính công hiệu quả và nền báo chí tự do và cẩn trọng. Ngoài ra, có một số điều kiện về văn hoá cần được đáp ứng: các chính trị gia và cử tri không được có thái độ người chiến thắng có tất cả đối với đối thủ, họ cần phải tôn trọng các quy tắc hơn là các cá nhân, và họ cần chia sẻ bản sắc chung và tinh thần dân tộc.

Lật đổ những nhà độc tài như Ben Ali hay Mubarak mới chỉ là loại bỏ một nguồn của sức mạnh độc tài. Và việc đưa các thiết chế đi vào vận hành không phải là một quá trình xảy ra chỉ sau một đêm. Những người Mỹ gây ra cuộc xâm lược Iraq mong đợi dân chủ sẽ xuất hiện một cách tức thì sau khi Saddam Hussein bị loại bỏ. Tuy nhiên họ đã thất vọng khi thấy mình phải quản lý một xã hội hỗn loạn và bạo lưc, và hầu như không có bất cứ các thiết chế nào.

Sự chuyển đổi dân chủ trước đây ở Đông Âu và Nam Mỹ đưa ra những bài học nào cho tương lai của phong trào “Mùa xuân Ả Rập”? Giữa Trung Đông và các khu vực khác như Đông Âu và Mỹ latin tồn tại rất nhiều khác biệt, mà bắt đầu với văn hóa và sự ảnh hưởng của đạo Hồi. Thực vậy, châu Âu thế kỷ 19 có thể là tiền lệ tốt hơn cho sự chuyển đổi chính trị cho thế giới Ả Rập hơn là làn sóng chuyển đổi dân chủ thứ ba diễn ra vào thập niên 70 (ở Đông Âu và Nam Mỹ). Trong những sự chuyển đổi ở Mỹ Latin và Đông Âu vào cuối thế kỷ 20, hầu hết các quốc gia này đã từng có kinh nghiệm về dân chủ. Các giai đoạn dân chủ trước đó, một số kéo dài hàng thập kỷ, bị gián đoạn bởi đảo chính quân sự ở Mỹ Latin hay bị nước ngoài chiếm đóng ở Đông Âu. Do đó, dân chủ hoá, ở một số khía cạnh, là sự trở lại của hệ thống trật tự chính trị cũ đã cắm rễ ở các quốc gia đó. Đặc biệt là ở Mỹ Latin, nơi mà đã từng có những đảng phái chính trị dân chủ đã được tổ chức tốt và đã tái tổ chức nhanh một khi sự cở mở chính trị mở ra. Còn đối với Đông Âu, thì các quốc gia Tây Âu và Liên minh châu Âu là những ví dụ gần gũi và mạnh mẽ về những nền dân chủ thành công, có thể cung cấp những sự hỗ trợ và khuyến khích vật chất thúc đẩy quá trình dân chủ hóa.

Ngược lại, thế giới Ả Rập ngày nay và châu Âu thế kỷ 19 không có kinh nghiệm gì về dân chủ. Trong khi ngày nay có một cộng đồng quốc tế rộng lớn cung cấp cả các mô hình chính trị lẫn những sự hỗ trợ dân chủ cụ thể, song nó chủ yếu được chống lưng bởi Mỹ và các nước phương Tây, và vì vậy luôn bị nghi ngờ bởi các nước trong thế giới Ả Rập. Điều này khác với trường hợp của các nước Đông Âu, vốn rất vui mừng khi tiếp cận với Liên minh châu Âu, NATO và các thể chế phương Tây khác sau khi thoát khỏi sự chi phối của Liên Xô.

Cho dù cả Trung Đông đương đại và châu Âu thế kỷ 19 đều chưa có kinh nghiệm với dân chủ, nhưng giữa chúng vẫn tồn tại những khác biệt quan trọng, đầu tiên với Hồi giáo. Tôn giáo cũng đóng vai trò quan trọng ở châu Âu thế kỷ 19: Đảng Trung hữu Đức và các đảng Dân chủ Cơ đốc ở Pháp và Ý được tổ chức để bảo vệ tôn giáo chống lại các quan tâm giai cấp. Tuy nhiên, ở châu Âu, giai cấp và quốc gia vẫn là yếu tố quan trọng để tạo nên bản sắc của một đảng phái hơn là tôn giáo, trong khi điều này ngược lại lại đúng với Trung Đông hiện nay. (Dù vậy, tình trạng này không phải lúc nào cũng đúng (với Trung Đông): bởi từ thập niên 50 đến thập niên 70, chính trị Ả Rập cũng bị chi phối bởi chủ nghĩa dân tộc hơn là chủ nghĩa Hồi giáo, cùng với một số lượng rải rác các đảng cánh tả theo chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản).

Tiếp đến, là lực lượng bảo thủ cũng có những điểm khác biệt. Trong các nước Hồi giáo hiện nay, chỉ có Pakistan có cấu trúc xã hội mà những địa chủ lớn cai trị đa số nông dân, giống như những gì các nước châu Âu từng có vào đầu thế kỷ 19. Phe bảo thủ ở hầu hết các nước Hồi giáo và Ả Rập nằm trong giới chóp bu của các bộ lạc, các gia đình quân chủ truyền thống và bè phái của họ, các sỹ quan quân đội, các nhà tư bản bè phái tập trung quanh các chế độ độc tài cổ xưa, và những người theo chủ nghĩa hồi giáo. Phe bảo thủ ở châu Âu không có nguồn hỗ trợ từ bên ngoài trừ trường hợp họ giúp đỡ lẫn nhau. Ngược lại, phe bảo thủ ở Trung Đông, nhận được sự hỗ trợ ngoại lực to lớn từ Mỹ, và các nước phương Tây khác trong thời gian dài, và từ lợi nhuận của ga và dầu mỏ ở vùng Vịnh. Tầng lớp lao động trên toàn khu vực có ít quyền lực hơn nhiều so với tầng lớp này ở châu Âu thế kỷ 19, bởi phần lớn khu vực, giống như Hy Lạp và miền nam nước Ý, đã trải qua quá trình ‘hiện đại hoá mà không có sự phát triển’. Công đoàn tồn tại ở Ai Cập và những nơi khác trong thế giới Ả Rập và mặc dù họ đóng vai trò quan trọng trong phần đầu của cuộc chiến chống lại chế độ độc tài, song họ không đại diện cho bộ phận đông đảo và ngày càng gia tăng trong dân chúng giống như điều đã xảy ra ở Anh hoặc Đức thế kỷ 19.

Tuy nhiên, giữa thế giới Ả Rập và châu Âu thế kỷ 19 cũng tồn tại những tương đồng. Đầu tiên, quá trình dân chủ hoá có gốc rễ từ sự huy động xã hội do sự thay đổi kinh tế – xã hội nền tảng tạo ra. Khi quá trình công nghiệp hoá đã diễn ra ở châu Âu thế kỷ 19, nó tạo ra một tầng lớp trung lưu và một giai cấp vô sản ngày càng mở rộng. Đa số nông dân đã rời bỏ nông thôn lên thành phố, nơi mà họ có thể được tuyển dụng bởi những đảng phái chính trị mới và dễ bị lôi kéo bởi những lời kêu gọi dựa trên bản sắc.

Điều gì đó tương tự cũng đã xảy ra ở Trung Đông từ những thập kỷ cuối của thế kỷ 20. Khu vực này đã được đô thị hoá một cách nhanh chóng, tỉ lệ dân thành thị tăng lên từ 30% lên 50% trong khoảng thời gian 1970 đến 2010.3 Chỉ số phát triển con người được đưa ra bởi Liên Hợp Quốc (Một sự kết hợp của các chỉ số về sức khoẻ, giáo dục và thu nhập) đã tăng lên 28% ở Ai Cập và 30% ở Tuy-ni-di trong khoảng từ 1990 đến 2010. Số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học thậm chí còn tăng với tốc độ nhanh hơn, và ở cả hai quốc gia sinh viên thường phàn nàn về việc thiếu việc làm tương xứng với trình độ giáo dục của họ. Chính nhóm này với sự hiểu biết về sử dụng internet và mạng xã hội đã lan toả hình ảnh về sự đàn áp và đứng ra tổ chức những cuộc biểu tình chống chính quyền.

Samuel Huntington trong cuốn “Trật tự chính trị trong xã hội đang thay đổi” cho rằng tầng lớp trung lưu sẽ là yếu tố quyết định dẫn tới sự thay đổi chính trị. Những cuộc cách mạng, theo ông, sẽ không bao giờ được tổ chức bởi những người nghèo nhất của xã hội bởi họ không có cả nguồn lực cũng như tri thức để tổ chức một cách hiệu quả. Ngược lại, tầng lớp trung lưu là nhóm có nhiều khả năng nhất để trải nghiệm sự gia tăng nhanh chóng về địa vị xã hội của họ và vì vậy là những người thất vọng nhất nếu điều này bị chặn lại. Chính khoảng cách giữa kỳ vọng và thực tiễn của họ đã tạo ra sự bất ổn chính trị.

Ở cả thế giới Ả Rập lẫn Các cuộc cách mạng ở châu Âu 1848, tầng lớp trung lưu là nhân tố quyết định trong việc tổ chức cách mạng và thúc đẩy thay đổi chính trị. Cuộc nổi dậy ở Tuy-ni-di chống lại Ben Ali và cuộc biểu tình ở quảng trường Tahrir chống lại Mubarak được dẫn dắt bởi những người thành thị và tầng lớp trung lưu những người cảm thấy cơ hội để cải thiện tình hình kinh tế và xã hội của họ bị cản trở bởi chính quyền độc tài. (Các cuộc nổi dậy ở Li-bi và Yemen thì phức tạp hơn; tầng lớp trung lưu ít hơn về số lượng, và còn có thêm sự đối đầu phức tạp giữa các bộ lạc. Tầng lớp trung lưu ở Si-ri lớn hơn nhưng bản sắc phe phái nhanh chóng lấn át sự bất bình về giai cấp hay điều kiện kinh tế).

Tuy nhiên, một giai cấp trung lưu mới không chỉ là sản phẩm của quá trình đô thị hoá. Ở nhiều khía cạnh khác, sự nổi lên của Hồi giáo về phương diện chính trị ở Trung Đông có thể được nhìn nhận như là một dạng chính trị bản sắc nhiều hơn là vấn đề niềm tin tín ngưỡng được phục hồi. Với cách hiểu như vậy Hồi giáo đã thay thế giai cấp để tạo ra sự huy động đối với những người đứng ngoài chính trị trước đó. Trung Đông đã trải qua quá trình chuyển đổi tương tự từ Gemeinschaft thành Gesellschaft, từ làng mạc truyền thống thành các thành phố hiện đại, như những gì mà châu Âu đã trải qua cuối thế kỷ 19, đi cùng với nó là tình trạng lộn xộn về tổ chức và bản sắc mà sự dịch chuyển như vậy tạo ra. Và trong khoảng một thế hệ sau độc lập từ chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa dân tộc thế tục đóng vai trò như là một nguồn của bản sắc, nhưng nó đã bị nghi ngờ từ cuối thập niên 70 sau khi thất bại trong việc tạo ra tăng trưởng kinh tế bền vững và công bằng, và cũng như không thể giải quyết được các vấn đề như cuộc xung đột Israel – Palestine. Khoảng trống này được lấp đầy bởi tôn giáo, thứ đã trở thành một nguồn rõ ràng hơn cho bản sắc đối với những người dân ở vùng nông thôn được đô thị hoá gần đây, những người giờ đây đã có thể tiếp cận ti vi vệ tinh và internet. Một trong những lý do cho sự nổi lên của Hồi giáo về chính trị là bởi nó có thể bàn về các vấn đề bản sắc, tôn giáo và giai cấp xã hội cùng một lúc.

Giai cấp vẫn giữ vai trò quan trọng ở Trung Đông hiện nay dưới lớp vỏ của nền chính trị tôn giáo. Những người ủng hộ chế độ dân chủ tự do kiểu châu Âu phần lớn là những người có giáo dục, thuộc tầng lớp trung lưu thành thị, trong khi những đảng Hồi giáo như tổ chức Anh em Hồi giáo ở Ai Cập và Ennahda ở Tuy-ni-di thường có thành viên từ các vùng nông thôn hoặc các cộng đồng nghèo đói và yếu thế đang sinh sống trong khu vực thành thị. Vì bị cấm hoạt động dưới thời chế độ độc tài, những tổ chức này chuyển sang cung cấp trực tiếp các dịch vụ cho những người nghèo và vì vậy có lợi thế khi cần huy động những người dân này khi không gian chính trị trở nên cởi mở hơn. Điều tương tự cũng xảy ra với những người Hồi giáo bảo thủ ở Iran khi họ có xu hướng tuyển mộ những người thuộc tầng lớp nghèo đói và ít được giáo dục trong xã hội.

Tuy nhiên, kinh nghiệm của châu Âu năm 1848 cho thấy việc loại bỏ một chính quyền độc tài và tổ chức các cuộc bầu cử dân chủ chỉ là khởi đầu của một quá trình dài của sự phát triển chính trị. Dân chủ được xây dựng xoay quanh sự thể chế hoá việc tham gia rộng rãi của người dân vào một quá trình chính trị đã được đồng thuận, trong đó yêu cầu đầu tiên là phải có các đảng chính trị được tổ chức tốt. Những người theo chủ nghĩa tự do thuộc tầng lớp trung lưu vốn dẫn dắt cuộc cách mạng phải tiếp tục tổ chức chính họ để có thể cạnh tranh trong các cuộc bầu cử và họ phải có khả năng thành lập liên minh với với các nhóm khác. Những cuộc cách mạng tự do năm 1848 thất bại trong việc làm 2 điều trên trong thời gian ngắn trước khi họ bị đàn áp bởi những hành động phản công của quân đội thuộc chế độ độc tài. Các nhóm trung lưu dẫn dắt cuộc cách mạng Ả Rập gặp vấn đề tương tự trong việc duy trì tổ chức dựa trên một chiến lược dài hạn để có thể cạnh tranh trong các cuộc bầu cử trong vài năm đầu sau cuộc nổi dậy, họ bị chia rẽ từ bên trong và tập trung vào cá nhân người lãnh đạo hơn là vào việc lôi kéo quần chúng tham gia. Bây giờ họ phải đối mặt với chính quyền quân đội đã lấy lại sức mạnh và sẽ chủ động hạn chế khả năng tổ chức của họ.

Ở châu Âu, các nhóm trung lưu dẫn đầu quá trình thúc đẩy dân chủ hiếm khi tự mình có thể làm việc đó. Tất cả yêu cầu phải có sự liên minh giữa các tầng lớp khác nhau ở đủ mọi thể loại. Ở Đan Mạch, các nhóm trung lưu liên minh với tầng lớp nông dân (hoặc chính xác hơn là những người chủ trang trại, bởi tầng lớp nông dân cũ đã biến mất ở thời điểm này) để yêu cầu chấm dứt chính quyền chuyên chế năm 1848; năm 1915, họ liên minh với tầng lớp lao động để ủng hộ phổ thông đầu phiếu. Ở Đức, tấng lớp trung lưu liên minh với các đảng của tầng lớp lao động để ủng hộ cho cộng hoà Weimar, điều tương tự cũng xảy ra ở Thuỵ Điển, Bỉ, và Hà Lan. Và ở Thuỵ Sỹ, Anh và Ý, họ liên minh với các đảng bảo thủ để mở rộng quyền bầu cử.

Nhưng, như đã trình bày ở chương 28, các nhóm trung lưu không hẳn là sẽ ủng hộ dân chủ tự do. Họ có thể liên minh với các lực lượng bảo thủ không phải để mở rộng dân chủ mà để ngăn dân chủ khỏi mở rộng đến các lực lượng đại chúng vốn có thể đe doạ quyền lợi của họ. Đây là chiến lược được áp dụng bởi nhiều nhóm trung lưu ở Mỹ Latin trong giai đoạn chính quyền độc tài trong khoảng thập niên 60, 70 và 80, và ở Thổ Nhĩ Kỳ cho tới tận cuối thập niên 90. Cách làm này tiếp tục lặp lại ở Ai Cập năm 2013 nơi mà nhiều người từng theo chủ nghĩa tự do trở nên quá căm phẫn với tổng thống Hồi giáo Morsi, người đã được bầu năm trước đó, đến nỗi họ ủng hộ cuộc đảo chính quân sự để lật đổ ông.

Tại Châu Âu vào thế kỷ 19, sự huy động quần chúng để ủng hộ dân chủ đã bị chặn lại bởi chủ nghĩa dân tộc. Hiện tượng này xuất hiện lần đầu trong cuộc cách mạng Pháp, khi mà lời kêu gọi vì quyền của con người nhanh chóng chuyển thành sự khẳng định mang tính quân phiệt về quyền của quốc gia Pháp. Điều này khá rõ ở Đức những năm 1870  khi có nhiều người theo chủ nghĩa tự do những năm 1840 và 1850 trở thành những người ủng hộ nhiệt tình cho Bismarck và công cuộc thống nhất nước Đức bằng bạo lực của ông. Và vào tháng 8 năm 1914, khi đa phân thành viên của các đảng thuộc tầng lớp lao động đã trở thành thành viên sáng lập của Quốc tế cộng sản thứ 2 đứng sau chính phủ dân tộc của họ và lao vào cuộc chiến tranh.

Có thể thấy rõ ràng là yếu tố văn hoá đã làm phức tạp hoá một cách nghiêm trọng khả năng hình thành chế độ dân chủ ở Trung Đông Hồi giáo. Một số lượng lớn các xã hội với đa số Hồi giáo đã phải đấu tranh với các nhóm chiến binh Hồi giáo và các nhóm Hồi giáo chống lại dân chủ; trong khi không có mối đe dọa nào tương tự như thế đối với làn sóng dân chủ thứ ba tại các nước Đông Âu và Mỹ Latin. Một số nhà nghiên cứu cho rằng tự bản thân đạo Hồi đã là trở ngại không thể vượt qua được để đi tới dân chủ bởi vì nó không bao giờ chấp nhận các quy tắc tách biệt giữa nhà thờ và nhà nước, và chứa chấp một truyền thống lâu đời về tính hiếu chiến tôn giáo. Các tổ chức Hồi giáo như Ennahda ở Tuy-ni-di hay tổ chức Anh em Hồi giáo ở Ai Cập vốn tuân theo các quy tắc dân chủ thường bị quy kết là lợi dụng dân chủ như một công cụ để đạt được quyền lực; chương trình hành động thực sự của họ vẫn còn chứa một lý thuyết về nhà nước thần quyền phi tự do. Sự nổi lên của các nhóm này sau đó đã kích thích các chính phủ độc tài bảo thủ đàn áp họ, dẫn tới nền chính trị bị chia rẽ thành 2 phe phản dân chủ chống lại nhau.

Việc liệu chính trị Hồi giáo có tiếp tục là một trở ngại vĩnh viễn ngăn cản sự hình thành nền dân chủ tự do ở các quốc gia có đa số dân số là người Hồi giáo hay không, cũng không rõ ràng hơn việc khẳng định rằng chủ nghĩa dân tộc làm cho nền dân chủ không thể thực hiện ở châu Âu. Hồi giáo về phương diện chính trị đã suy yếu trong vài thập kỷ qua, và trong thế kỷ 20 nó thường đóng vai trò phụ so với các cuộc vận động khác dựa trên chủ nghĩa dân tộc thế tục hay chủ nghĩa độc tài tự do. Tất cả các hệ thống văn hoá lớn và phức tạp có thể được giải thích theo nhiều cách khác nhau. Mặc dù học thuyết bình quân đóng vai trò trung tâm trong đạo Cơ đốc (giống như trong đạo Hồi), Giáo hội Cơ đốc tự nguyện liên minh với các nhà cầm quyền độc tài và đã biện minh cho các trật tự phi tự do trong nhiều thế kỷ. Song một phần của câu chuyện về làn sóng dân chủ hóa thứ ba ở châu Âu và Mỹ Latin lại liên quan đến sự giải thích lại học thuyết Ki tô giáo, khi Vatican II trong thập niên 60 làm cho học thuyết này tương thích với nền dân chủ hiện đại.4

Hồi giáo cực đoan cũng tương tự như vậy. Có vẻ như sự mở rộng hiện nay của nó là bởi điều kiện xã hội đương thời của Trung Đông hơn là bởi bản chất nội tại của tôn giáo. Thực ra, sự lan rộng của Hồi giáo về phương diện chính trị có thể nhìn nhận như là một dạng của chính trị bản sắc tương tự như chủ nghĩa dân tộc ở châu Âu thế kỉ 19. Đây là luận điểm được đưa ra đầu tiên bởi Ernest Gellner, mà lý thuyết của ông về nguồn gốc của chủ nghĩa dân tộc được đề cập đến ở chương 12. Gellner, như đã trình bày, cho rằng chủ nghĩa dân tộc là một phản ứng đối với hiện tượng hỗn loạn bản sắc, vốn xảy ra khi các xã hội hiện đại hoá và chuyển dịch từ Gesllschaft – những ngôi làng nhỏ – sang Gemeinschaft – những thành phố lớn. Hiện tượng này chủ yếu xảy ra ở các quốc gia đang hiện đại hóa, nơi những hình thức danh tính cũ hẹp hòi dựa trên quan hệ huyết thống và địa phương biến mất và được thay thế bằng các học thuyết phổ quát hơn, kết nối các cá nhân với các phong trào văn hóa rộng lớn hơn. Ông cho rằng sự trỗi dậy của Hồi giáo hiện đại là để phản ứng lại những đòi hỏi tương tự ở Trung Đông, nơi tôn giáo đóng vai trò giống như chủ nghĩa dân tộc từng có ở châu Âu. Với những người nông dân cũ đang sống ở Cairo hay Karachi, hoặc với thế hệ người di cư Hồi giáo thứ 2 ở châu Âu, thì một nhân vật như Osama bin Laden có thế đưa ra câu trả lời thuyết phục cho câu hỏi “Tôi là ai?”. Sự trỗi dậy của Hồi giáo về phương diện chính trị trong phần cuối thế kỷ 20 vì thế không phản ánh sự trở lại của Hồi giáo vĩnh hằng bất diệt, như cả người khởi xướng Hồi giáo cực đoan và những chỉ trích họ vẫn khẳng định, mà đúng hơn đó là phản ứng đối với tình trạng nửa hiện đại có ở hầu khắp các nước Trung Đông.5

Cuối cùng, giống như quá trình thúc đẩy châu Âu tới dân chủ ở thế kỷ 19 bị chệch hướng tới chủ nghĩa dân tộc, các cuộc vận động ở Trung Đông bị chệch hướng tới tôn giáo.

Do đó, làn sóng chuyển đổi thứ ba ở Đông Âu và Mỹ Latin là một chỉ dẫn nhầm lẫn cho mùa xuân Ả Rập. Chính hành trình gian nan và lâu dài ở châu Âu từ chế độ chuyên quyền qua chủ nghĩa dân tộc rồi mới tới dân chủ cung cấp một mô hình tốt hơn. Phân tích này khiến cho những ai hy vọng rằng nền dân chủ tự do sẽ xuất hiện sớm ở thế giới Ả Rập cảm thấy không dễ chịu. Chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng nếu có một cuộc chuyển đổi như thế, thì nó sẽ không quá dài như ở châu Âu. Châu Âu thế kỷ 19 không có kinh nghiệm trước đó về dân chủ và vì vậy không có một mô hình thể chế rõ ràng để học theo. Trung Đông thì không giống như vậy. Các chế độ mà có thể cân bằng giữa nhà nước mạnh và sự ràng buộc về pháp lý và dân chủ đối với quyền lực đã trở thành tiêu chuẩn trên khắp thế giới. Tuy nhiên, để có được như vậy, điều này tuỳ vào sự hình thành một hệ thống thể chế phức tạp đan xen lẫn nhau, vốn một lần nữa phụ thuộc vào những thay đổi  về bản chất của các điều kiện kinh tế xã hội nền tảng. Cơ sở xã hội cho một nền dân chủ ổn định không tồn tại ở châu Âu năm 1848, và có thể nó vẫn chưa tồn tại ở nhiều nước Trung Đông hiện nay.

Chú thích

  1. On cultural arguments about the failure of democracy in the Middle East, see Elie Kedourie, Politics in the Middle East (New York: Oxford University Press, 1992). For a more insightful view of the obstacles to democratization in the region, see Stepan and Robertson, “An ‘Arab’ More Than a ‘Muslim’ Electoral Gap.”
  2. See for example Seth Jones, “The Mirage of the Arab Spring: Deal with the Region You Have, Not the Region You Want,” Foreign Affairs 92, no. 1 (2013): 47–54. For a more general argument about the potentially malign effects of democratization, see Edward D. Mansfield and Jack Snyder, Electing to Fight: Why Emerging Democracies Go to War (Cambridge, MA: MIT Press, 2005).
  3. See Barry Mirkin, “Population Levels, Trends and Policies in the Arab Region: Challenges and Opportunities” (New York: UNDP Research Paper, 2010), p. 16.
  4. This argument is made in Huntington, The Third Wave.
  5. Gellner makes the comparison of European nationalism and Middle Eastern Islamism in Nations and Nationalism, pp. 75–89. A variant of this argument is also made in Olivier Roy, Globalized Islam: The Search for a New Ummah (New York: Columbia University Press, 2004). See also Francis Fukuyama, “Identity, Immigration, and Liberal Democracy,” Journal of Democracy 17, no. 2 (2006): 5–20.

Nguồn: Francis Fukuyama. 2014. From 1848 To The Arab Spring (Từ 1848 đến Mùa xuân Ả Rập; bản dịch của Nguyễn Đức Việt). Political Order and Political Decay: From the Industrial Revolution to the Globalization of Democracy. Farrar, Straus and Giroux. Bản tiếng Việt của nhóm Tinh Thần Khai Minh.

About the Author

You may also like these