Tác giả: Nguyễn Huy Vũ
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, những viên chức của chế độ cộng hòa ở miền Nam nhận được một giấy triệu tập với thông báo thu xếp đồ đạc đủ để ở vài ngày cho cái gọi là “cải tạo tư tưởng” để trở thành con người của chế độ mới. Những nhân viên của chế độ cũ phần lo lắng, phần tự trấn an chính mình bằng niềm hi vọng về câu chuyện ở nước Mỹ xa xôi rằng khi thắng trận trong cuộc nội chiến, những người bên phe thắng trận đã cấp ngựa, trân trọng những người lính của bên thua trận, và tiễn họ trở về quê sinh sống. Họ, những người Việt bên phe thua cuộc, cũng ở miền Nam, tin rằng những đồng bào miền Bắc của mình cũng hành xử nhân đạo như phe người Mỹ miền Bắc năm nào trong cuộc nội chiến của chính họ. Nhưng, những người bên phe thua cuộc của miền Nam Việt Nam đã lầm. Cải tạo chỉ là bước đầu tiên trong một tiến trình được gọi là hạ nhục nhằm mục đích dập tắt tất cả các mầm mống của tự do.
Gọi là cải tạo nhưng thực chất là tù không án. Những viên chức của chế độ cũ đã trải qua những trại tù đằng đẵng, chịu đói khát, cùm kẹp, đánh đập, hạ nhục, và không biết khi nào thì mình được về. Nhiều người đã nằm lại. Những người khác may mắn còn sống sót ra khỏi tù với nhiều bệnh tật mà phần nhiều qua đời trong một khoảng thời gian ngắn sau đó. Những người khác và con cháu tiếp tục bị hạch sách, đàn áp buộc phải bỏ trốn khỏi quê hương bằng tất cả mọi phương tiện.
HẠ NHỤC CHẾ ĐỘ VIỆT NAM CỘNG HÒA
Sự hạ nhục và dập tắt chế độ cộng hòa của miền Nam khởi đầu bằng cách tiêu diệt những tinh hoa của đất nước, tiếp theo là thủ tiêu những sản phẩm của chế độ, kế tiếp là bần cùng hóa những người dân, và cuối cùng là tẩy não những công dân mới.
Sau khi bỏ tù những tinh hoa của đất nước, chế độ mới tiếp tục xóa bỏ và cấm đoán tất cả những văn hóa phẩm và nền văn hóa của một quốc gia. Họ làm bằng nhiều cách từ đốt bỏ sách báo, cấm xuất bản, cấm ca hát các nhạc phẩm, cấm các phong cách ăn mặc của chế độ cũ, và cuối cùng gán những gì thuộc về chế độ cũ bằng một chữ “ngụy”, mà cái gì liên quan đến “ngụy” đều là xấu xa, giả dối và bất tài.
Để bần cùng hóa những người dân của chế độ cộng hòa cũ, chính quyền mới cho ban hành đổi tiền bất ngờ, và khi đổi tiền thì chỉ cho phép đổi một số tiền giới hạn. Kết quả là nhiều người thuộc tầng lớp doanh nhân khá giả, thuộc tầng lớp tinh hoa của đất nước, trong một đêm bỗng chốc trắng tay. Sự trắng tay của họ một lần nữa bị tận thu khi cuộc cải tạo công thương nghiệp diễn ra khiến các tư liệu sản xuất bị tịch thu, phá hủy, hoặc đưa vào hợp tác xã.
Và cuối cùng, những công dân trẻ ở miền Nam lớn lên dưới chế độ mới được dạy về những điều dối trá về chế độ cộng hòa của miền Nam, về những người cha, người anh của họ, để rồi cuối cùng hình thành nên một đồng thuận sỉ nhục và coi khinh chế độ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH).
Có một câu hỏi là tại sao những người cộng sản lại cố gắng hạ nhục và xóa mọi dấu vết của Việt Nam Cộng Hòa như vậy, khi mà họ đã giải tán được chính quyền miền Nam và áp đặt sự cai trị của họ trên toàn cõi?
Câu trả lời là họ sợ.
Tính chính danh cho sự ra đời của VNCH là ở lý tưởng tự do và những con người chịu ảnh hưởng của lý tưởng tự do. Chính vì lý tưởng tự do mà những người con của nước Việt đã từng bỏ miền Bắc tao loạn để chạy xuống miền Nam tự do hơn và góp phần khai hoang những vùng đất mới dưới quyền các chúa Nguyễn. Chế độ VNCH một lần nữa cổ vũ cho tự do khi đưa khẩu hiệu “nhân bản, dân tộc, và khai phóng” làm triết lý cho nền giáo dục của mình.
Một nền giáo dục đào tạo ra những con người hồn hậu, yêu nhân loại và đất nước, và mang tư tưởng khai phóng đó là một kẻ thù tiềm tàng của bất cứ một chế độ độc tài nào. Sự khai phóng nó đi xa hơn những đòi hỏi tự do trong hành động và các hoạt động chính trị – xã hội. Nó thúc đẩy tất cả các cởi trói về tư tưởng, cổ vũ cho những suy nghĩ tự do, và luôn luôn muốn lật ngược lại các vấn đề. Những con người vừa mang tư tưởng tự do, đòi hỏi và thực hiện một hệ thống chính trị-xã hội tự do, yêu quê hương đất nước mình, và quý mến đồng loại hiển nhiên sẽ trở thành kẻ thù và kẻ chống đối tiềm tàng của một chế độ độc tài khét tiếng đàn áp chính người dân mình. Đó là lý do đầu tiên mà những người cộng sản cố xóa sổ những tinh hoa của chế độ miền Nam Cộng hòa.
Một lý do thứ hai mà những người cộng sản cố xóa mọi dấu vết và hạ nhục chế độ VNCH là vì vấn đề tính chính danh. Bằng cách bôi nhọ và hạ nhục chế độ VNCH thì chế độ mới mới có được tính chính danh khi đem quân “giải phóng”. Một chiến dịch không thể nào gọi là “giải phóng” và có tính chính danh khi bên đem quân đi tấn công, đòi giải phóng một quốc gia lại có một đẳng cấp phát triển kém xa bên “bị giải phóng”. Đó không gọi là giải phóng được, mà đó gọi là xâm chiếm.
Vì vậy mà bằng mọi cách phải dập tắt các văn hóa phẩm của VNCH, vì nếu để những văn hóa phẩm này được dịp lan tỏa khắp đất nước, nó khác nào cho người dân thấy rằng nền văn hóa của VNCH đã phát triển rực rỡ, và chẳng có cái gì gọi là “giải phóng” ở đây cả?
ĐÓNG GÓP VÀ VAI TRÒ CỦA VIỆT NAM CỘNG HÒA
Muốn thấy được sự thành công của một gia đình có lẽ trước hết hãy nhìn vào những đứa con. Đối với một chế độ hay một đất nước, muốn biết được sự văn minh của họ tất phải nhìn vào giới tinh hoa cũng như người dân của chế độ, đất nước đó.
Phải nhìn nhận một điều rằng dù chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, chỉ vỏn vẹn có 20 năm, chế độ VNCH đã tạo ra một thế hệ trí thức văn nghệ sỹ lớn cùng những tác phẩm để đời nhiều ảnh hưởng mà nếu nhìn lại thì sự phát triển trong khoảng thời gian ngắn này của chế độ VNCH đóng góp và ảnh hưởng của nó lớn hơn hẳn bất cứ thời đại nào của dân tộc. Những tác phẩm từ sách báo, ca nhạc kịch từ cách nay gần nửa thế kỷ vẫn còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến văn hóa của Việt Nam hiện nay và sẽ còn tiếp tục trong những tháng ngày tới.
Thế hệ trí thức có ảnh hưởng lớn nhất và được coi trọng nhất hiện nay cũng là thế hệ trí thức được đào tạo, gửi đi đào tạo, hoặc xuất thân từ chế độ VNCH. Nhiều người dù né tránh hay không nhắc đến VNCH nhưng cũng phải thừa nhận một điều rằng nhờ chế độ trọng dụng nhân tài mà họ được chọn lựa và gửi đi đào tạo ở nước ngoài với hi vọng về giúp sức cho quê hương.
Nhiều người khi đánh giá lại chế độ VNCH và cho rằng nó có nhiều khiếm khuyết. Sự khiếm khuyết về mặt tự do của chế độ VNCH là điều không bàn cãi. Tuy vậy, muốn so sánh sự tự do và văn minh của một chế độ chúng ta không thể so sánh một chế độ non trẻ của Việt Nam với những chế độ dân chủ lâu đời theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ hay các nước phương Tây, đặc biệt khi mà Việt Nam đang ở trong thời chiến. Chúng ta cũng không thể so sánh chế độ VNCH theo những tiêu chuẩn của ngày nay, vì như vậy khác nào so sánh nền dân chủ của Hoa Kỳ ngày nay nơi có một tổng thống da đen với nền dân chủ của Hoa Kỳ trước đây khi những luật lệ kỳ thị người da đen vẫn còn chưa bãi bỏ. Muốn biết sự tiến bộ của chế độ VNCH thì ít nhất là so sánh nó với các nước trong khu vực hoặc những nước có xuất phát điểm tương đồng.
Một trong các quan điểm của nhiều người là chế độ VNCH độc tài và tàn bạo. Nhưng khi so với các chế độ độc tài của Indonesia, Đài Loan, Hàn Quốc cùng thời thì rõ ràng sự cai trị của giới cầm quyền VNCH mềm dẻo, tự do, và ít tàn độc hơn nhiều. Dưới chế độ VNCH có những bắt bớ rải rác, nhưng mức độ ít hơn nhiều các nước khác trong khu vực, không hề có những cuộc thảm sát, giết người biểu tình hàng loạt như đã từng xảy ra ở Indonesia, Đài Loan, hay Hàn Quốc. Những chế độ này ngày nay đều đã thoát mình trở thành những nền dân chủ sống động, bền vững, thịnh vượng, và bỏ xa Việt Nam.
Một phán xét khác của nhiều người đối với sự sụp đổ của chế độ VNCH đó là sự kém cỏi của những người lãnh đạo. Đây là một lập luận hời hợt. Rõ ràng là các lãnh đạo VNCH có những sai lầm, nhưng sự sụp đổ của một chế độ bắt nguồn từ những nguyên nhân xa và sâu hơn là vài sai lầm của một vài lãnh đạo VNCH.
Ngày nay, những phân tích lịch sử đã được phân tích và đánh giá lại tương đối đầy đủ, đó là sự thất bại của Việt Nam Cộng Hòa bắt nguồn từ sự bỏ rơi và lừa dối của người Mỹ. Tại sao lại có điều này?
Người Mỹ khi dựng lên chế độ VNCH có mục tiêu ban đầu là ngăn làn sóng cộng sản lan tỏa xuống toàn khu vực Đông Nam Á. Sau đó, mối bận tâm của người Mỹ trong cuộc Chiến tranh Lạnh là liên minh cộng sản giữa Trung Quốc và Liên Xô. Để đánh sập khối cộng sản, người Mỹ dùng chiến lược liên kết với Trung Quốc nhằm tách Trung Quốc ra khỏi Liên Xô, cô lập Liên Xô, và cuối cùng làm Liên Xô sụp đổ.
Khi Hoa Kỳ thỏa thuận với Trung Quốc, Trung Quốc không muốn sự hiện diện của người Mỹ ở miền Nam Việt Nam, ngay sau lưng mình, đổi lại Trung Quốc sẽ không giúp “cộng sản hóa” toàn bộ Đông Nam Á. Về phần người Mỹ, vào những năm cuối thập niên 1960s, họ đã thấy tình hình phe cộng sản đã bị dập tắt ở các nước Đông Nam Á. Ở một mặt khác, chính quyền Mỹ bị áp lực phải đưa quân nhân về nước vì tổn thất quá lớn trong cuộc sa lầy của chiến tranh Việt Nam. Vì những lý do đó mà chính quyền Mỹ đã ép chính quyền VNCH ký Hiệp định Paris 1973 bằng mọi giá và quyết định đưa quân Mỹ về nước. Đó thực chất là một quyết định bỏ rơi và bán đứng VNCH khi con cờ chặn làn sóng cộng sản đã không còn giá trị. Hiệp định Paris 1973 tuy gọi là đem lại hòa bình, chấm dứt chiến tranh, nhưng cho phép quân Bắc Việt tiếp tục duy trì vị trí của mình ở miền Nam, chuẩn bị lực lượng, và tiến hành tổng tấn công hai năm sau đó. Người Mỹ hứa tiếp tục hỗ trợ tài chính, khí tài, và đem quân hỗ trợ cho VNCH nếu phe Bắc Việt phá vỡ hiệp định và xâm chiếm miền Nam. Tuy vậy, khi phe Bắc Việt tiến chiếm miền Nam thì phía Mỹ lờ đi những cam kết ban đầu, càng về sau trong cuộc chiến, tài chính và các khí tài của VNCH ngày càng cạn kiệt, và hậu quả là chính quyền VNCH đã sụp đổ sau đó.
Sẽ có câu hỏi rằng tại sao VNCH phụ thuộc nhiều vào Hoa Kỳ như vậy và khi mà không có Hoa Kỳ thì VNCH nhanh chóng sụp đổ? Câu trả lời là khi mà Hoa Kỳ rút quân, cuộc chiến còn lại chỉ còn một bên là quân đội VNCH và một bên còn lại là Bắc Việt với sự yểm trợ hết mình của Liên Xô và Trung Quốc. Vì vậy mà sự sụp đổ của VNCH chỉ còn là vấn đề thời gian.
Sự hình thành và sụp đổ của VNCH dựa vào Mỹ không phải là một ví dụ duy nhất về việc số phận một quốc gia bị định đoạt bởi một nước khác trên thế giới. Nếu không có sự hiện diện liên tục của Mỹ ở Hàn Quốc, Hàn Quốc đã bị nghiền nát bởi Bắc Triều Tiên trong một cuộc chiến được yểm trợ bởi Liên Xô và Trung Quốc. Vì lý do đó mà sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Hàn Quốc còn liên tục cho đến ngày nay. Nếu không có sự hiện diện của Hạm đội 7 của Hoa Kỳ án ngữ eo biển Đài Loan thì chế độ của Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan đã bị giải phóng quân của Trung Cộng tiến chiếm và ngày nay không thể có một Đài Loan dân chủ, muốn độc lập khỏi Trung Quốc. Thậm chí số phận của Đài Loan hôm nay và tương lai trong mối quan hệ với Trung Quốc còn phụ thuộc phần nào vào vị thế của Hoa Kỳ và mối quan hệ tay ba giữa Hoa Kỳ, Đài Loan, và Trung Quốc. Ở Israel, nếu không có sự hỗ trợ của người Mỹ kể từ ngày lập quốc thì chắn chắn Israel sẽ không có được vị thế như ngày hôm nay, nếu không nói là có thể đã bị các quốc gia Hồi giáo xóa sổ.
Gần đây, chính sự rút quân nhanh chóng của người Mỹ khỏi Iraq đã tạo ra một khoảng trống cho đội quân khủng bố ISIS có dịp thành hình và đe dọa chính quyền Iraq, mà nếu quân Mỹ và liên quân không kịp quay lại yểm trợ thì ngày nay có lẽ nước Iraq đã nằm dưới sự cai trị của quân ISIS.
Nói như vậy để thấy rằng trong những hoàn cảnh chính trị nhất định vận mệnh của một quốc gia vượt quá khả năng của chính những người lãnh đạo quốc gia đó, như người Hàn, người Đài Loan, người Israel, người Iraq, khi mà vận mệnh của dân tộc họ có lúc phụ thuộc vào quyết sách của những thế lực khác, mà ở đây là người Mỹ. Hiểu được điều đó mới bớt chê trách vai trò của các lãnh đạo VNCH và nhìn thấy được vị thế của VNCH và Việt Nam trong mối tương quan chính trị thế giới. Suy cho cùng, VNCH chỉ là một con chốt trong bàn cờ của những tay chơi quốc tế.
Nhiều người chê trách những bậc cha anh, cả Bắc Việt và VNCH, để lại một đất nước như ngày hôm nay. Nhưng chê trách không dẫn tới đâu cả. Thái độ đúng đắn nhất là hãy suy nghĩ làm sao và cùng hành động để thay đổi vận mệnh của dân tộc hôm nay.
THÁI ĐỘ VỚI LÁ CỜ VÀNG
Dù thích hay không, lá cờ vàng đã trở thành một di sản của VNCH và biểu tượng của cộng đồng người Việt tự do.
Điều tai hại là những người lớn lên dưới chế độ mới bị tẩy não đến độ dị ứng với tất cả những gì liên quan đến chế độ VNCH. Đó là một chế độ nơi con người được giáo dục theo triết lý “nhân bản, dân tộc, và khai phóng”. Một chế độ đã tạo ra những văn nghệ sỹ trí thức hàng đầu Việt Nam, đóng góp lớn lao vào nền văn hóa của dân tộc, và, mặc dù còn khiếm khuyến, có nhiều sinh hoạt tự do và bao dung hơn hẳn các chế độ cùng thời trong khu vực, thậm chí khi so với chế độ hôm nay. Chế độ đó không tự nguyện hiến dâng một tấc đất nào của tiền nhân, đã sản sinh ra những người lính yêu nước hi sinh thân mình bảo vệ biển đảo trước Trung Cộng trong cuộc chiến Hoàng Sa 1974. Chế độ đó xứng đáng được coi trọng chứ không phải bị hạ nhục và ghẻ lạnh. Và vì lí do đó mà lá cờ, biểu tượng của chế độ, nên có một vị trí trang trọng.
Lá cờ vàng của người Việt tự do tị nạn cộng sản hôm nay không khác xa so với ngôi sao David hay cây đèn nến Menorah của những người Do Thái rời bỏ quê hương. Đó là biểu tượng cho sự hiện diện và nguồn gốc của những người Việt miền Nam tị nạn cộng sản ở các nước bên ngoài Việt Nam. Họ đúng khi trân trọng và xiển dương lá cờ đó. Đó là một cách để họ tự nhắc nhở nhau rằng họ là ai, và vì sao lưu lạc đến đất này. Chính vì vậy mà những vị khách phương xa đến thăm họ cần có một sự tôn trọng lá cờ của họ, và tôn trọng biểu tượng của họ cũng là một cách để tôn trọng những người chủ nhà vậy.
Nguyễn Huy Vũ
OL, 12.1.2017